Chọi trâu Đồ Sơn: Tiểu xảo ít ngờ
- Thứ hai - 12/10/2009 04:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Ông trâu" số 15 nhà ông Kim.
Trâu chiến phải dùng... mật gấu
Ông
Lưu Đình Kim, trú tại khu dân cư 1, phường Ngọc Hải, người có thâm niên
trong nghề chơi trâu chọi kể, xưa ở Đồ Sơn có ông Vệ “ghẻ” là người
nuôi trâu chọi nổi tiếng. “Ông trâu” nào đã lọt vào “mắt xanh” của ông
Vệ và được ông huấn luyện thể nào cũng “ăn” giải.
Chẳng hiểu có phải theo kinh nghiệm được truyền lại từ xưa không, nhưng sáng nào cũng vậy, hai bố con ông Kim lại dắt “ông trâu” ra tập luyện: lúc đầu là bài tập thể lực. “Ông trâu” số 15 được người chăn dắt đi bộ khắp phố, rồi chạy tập trên cát, sau đó lao xuống cả bãi lầy. Gần đến ngày thi đấu, “ông trâu” của ông Kim lại được dắt ra phố để lũ trẻ con gõ thanh la, não bạt, chiêng chống vào tai, cờ quạt múa liên hồi quanh mắt để giúp trâu quen với âm thanh mà không bị hoảng khi vào trận.
Ngoài phương pháp truyền thống ấy, các chủ trâu còn tẩm bổ bằng vitamin B1, thậm chí là mật gấu. Ông Hoàng Đình Triều, người say mê với lễ hội chọi trâu ở quê mình cho hay: “Vitamin B1 được hoà vào nước, mỗi ngày, ngoài ăn cỏ, cháo ngô, trâu phải uống đủ một chai 65ml nước pha B1”. Mật gấu chỉ được chủ trâu bồi bổ khi các “ông trâu” bị thương sau vòng đấu loại.
Ngoài sự dũng mãnh trước những pha đòn hiểm như miếng vồ, đánh dập, luồn sừng bẻ, lật ngược đối thủ hay miếng gảy, dùng sừng đánh vào bất kỳ chỗ nào tiếp giáp..., các chủ trâu còn dùng những “tiểu xảo” như: vót nhọn sừng, tẩm a xít hay nước tiểu vào để tăng độ buốt của đòn mà đối phương chóng bỏ cuộc. Vì thế, trước ngày chọi, chủ phải canh gác trâu 24/24 giờ, không cho người lạ vào xem.
Thương mại hoá một lễ hội
Nguồn trâu ở vùng đồng bằng đang có nguy cơ cạn kiệt nên những “lái trâu chọi” từ các tỉnh Bắc Trung Bộ thường tìm xuống Đồ Sơn tìm mối. Hội kết thúc cũng là lúc các tay lái í ới gọi điện cho nhau lùng trâu mới. “Lái trâu” khi “giao dịch” thành công một “ông trâu” có thể lời 10-15 triệu đồng.
Dù “lái trâu chọi” lãi cao, nhưng muốn bán được một con không phải dễ. Theo quy trình của dân “lái trâu chọi”, sau khi tìm được “hàng”, họ phải chụp ảnh con trâu, đo vòng cổ, vòng ức, bụng, độ dài của sừng sau đó mang ảnh xuống Đồ Sơn chào hàng. Nếu phía chủ trâu ưng ý là họ xách tiền theo ngay. Thế nhưng, chỉ khi chủ trâu đến tận nơi ngắm kỹ tướng mạo, quan sát “phong thái” rồi mới quyết định mua.
Ông Lưu Hoài Nam, Trưởng ban Văn hoá phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) bảo rằng, cứ mỗi lần hội chọi trâu Đồ Sơn kết thúc, thì cũng là lúc “đội quân” chuyên săn trâu chọi bổ nhào đi lùng sục khắp nơi để tìm mua những “ông trâu” về nuôi dưỡng. Ngày trước, địa bàn săn trâu chọi của họ chỉ loanh quanh một số tỉnh miền núi như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Bắc Kạn, thì nay những tay “săn trâu” đã “mò” sang Lào, Trung Quốc để tìm những “ông trâu” ưng ý.
Hiện nay, ở Đồ Sơn, chuyện cá độ trong mỗi kháp đấu không còn lạ. Người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự thất bại của “ông trâu” có nguồn gốc từ Mianma. Ngày mới dắt về, “ông trâu” này được dân chơi độ đánh giá cao. Ngoài hình thức vạm vỡ, trâu còn mang vẻ “quái tướng” sừng hẹp quắt lên phía trước, đỏ tròng. Giá mua gốc lên tới 120 triệu đồng. Nhưng chẳng hiểu sao, khi vào sới, tham chiến được độ 10 phút, ông trâu này đã quay đầu bỏ chạy. Sau kháp đấu ấy, dân Đồ Sơn kháo nhau đã có hàng chục tay độ “chết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đặt cược có thể lên tới 20 -30 triệu đồng cho mỗi kháp đấu. Có loại cá độ theo kiểu “đánh nóng” nghĩa là dân chơi cá độ đặt tiền vào các “ông trâu” trước khi ra trận tại hai cửa Bắc và Nam.
Tuy nhiên, dân Hải Phòng rất ít khi chơi theo kiểu “đánh nóng” này mà trước khi chơi, các tay cá độ thường tìm đến chủ trâu tìm hiểu, quan sát rồi mới đặt cửa. Lúc đó, chủ trâu sẽ là người “cầm cái” để phòng trường hợp bên độ “bùng” tiền hoa hồng sau giáp đấu. Cũng có trường hợp chủ trâu này nhận đánh cá độ với chủ trâu khác.
Theo phong tục, những con trâu bị loại sẽ là vật tế thần ngay tại trận, cống hiến cho khách thập phương hương vị đặc biệt của thịt trâu chọi. Có người nói ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn, chính vì thế, mấy năm gần đây giá thịt trâu chọi lên tới 300.000 - 500.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Mến ở quận Đồ Sơn cho biết, năm ngoái thịt trâu chọi được bán đầy rẫy ở chợ Đồ Sơn. Thế mới có chuyện, trong khi các kháp đấu đang diễn ra quyết liệt thì ở ngoài chợ Đồ Sơn đã bán thịt các “ông trâu” có đánh số hẳn hoi. Cùng với dịch vụ thịt trâu chọi, dịch vụ phim chọi trâu cũng được các tay quay dựng phim nhanh chóng.
Mong rằng, lễ hội chọi trâu năm nay, Ban tổ chức sẽ hạn chế được sự thương mại hóa và những biến tướng trên, giữ được nguyên giá trị văn hóa vốn có của lễ hội dân gian nổi tiếng miền Bắc.