16 "ông" trâu đã sẵn sàng cho VCK lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn

16 "ông" trâu đã sẵn sàng cho VCK lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn
"Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu"
Hải Phòng là vùng đất có truyền thống văn hoá với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong những di sản văn hoá ấy, nổi bật là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ hội nói chung là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của một cộng đồng trong quá khứ. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại hơn 10 năm nay và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hoá, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người.
 

Hội chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân thị xã Đồ Sơn, được tổ chức vào 9/8 âm lịch hàng năm. Chọi trâu không chỉ đơn thuần "hai con trâu chọi" mà nó đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo ở vùng biển Đồ Sơn. Một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, Hải Phòng. Người dân đặt vào lễ hội niềm tin và hy vọng bởi những cặp trâu chọi sẽ quyết định thắng thua, thành bại cho phe giáp ngày trước, phường xã ngày nay. Người Đồ Sơn gắn lễ hội chọi trâu với việc thờ cúng thành hoàng làng với mong muốn những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, cho nên ngày Hội càng trở nên thiêng liêng, trang trọng. Vào Hội, mọi người được dịp hoà mình vào cộng đồng để tình cảm kết nối bền chặt, gắn bó hơn. Vì thế mà tinh thần đoàn kết, ý thực cộng đồng cũng được duy trì, khẳng định.

Người vùng biển đã gửi gắm tinh thần và ý chí của mình vào những "kháp đấu" giữa các "ông trâu". Mỗi "ông trâu" trên xới đấu thắng thua ra sao sẽ chứng tỏ tài năng của các ông chủ trâu, của phường xã mình. Như vậy các "kháp đấu" giữa những ông trâu đã trở thành nghệ thuật, có tính biểu tượng sinh động, thể hiện bản sắc văn hoá. Như vậy chọi trâu đã nói hộ tích cách của người dân vùng biển, nó đã được định hình từ lâu với nội dung phong phú gồm nhiều yếu tố văn hoá dân gian, lành mạnh kết tinh của cả một vùng văn hoá ven biển mà Đồ Sơn là trung tâm.

Sự phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như hiện nay là một việc làm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chấn hưng lễ hội này với những đặc điểm vốn có của nó sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Ngày nay, Hội chọi trâu Đồ Sơn, đã trở thành ngày hội truyền thống của người dân miền biển, không chỉ thu hút người dân Hải Phòng, mà còn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước cứ đến hội lại nô nức đổ về, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo có một không hai trên cả nước.

Theo Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ năm 2010, 16 "ông" trâu lọt vào vòng chung kết đang trong quá trình tập luyện cuối cùng và sẵn sàng xung trận tham gia các trận đấu vào ngày 16-9 (9-8 âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận.

Tại vòng chung kết, giới chuyên môn nhận định một số trâu có thể hình lý tưởng, được tôi luyện qua nhiều vòng đấu loại, có sức khỏe, độ lì lợm, hiếu chiến… được coi là ứng cử viên vô địch như trâu số 20 của ông Lê Đình Cò (Ngọc Hải); trâu số 5 của ông Nguyễn Văn Trọng (Minh Đức); trâu số 21 của ông Đình Đình Ngọc (Ngọc Hải); trâu số 15 của ông Hoàng Đình Khắc (Vạn Hương)… Vòng chung kết hứa hẹn nhiều hấp dẫn vì các trâu trải qua vòng loại sôi nổi, kịch tính, thể hiện được khả năng và bí quyết luyện trâu của các ông chủ.