Chọi trâu Đồ Sơn dữ dội và hùng tráng

Thứ hai - 12/10/2009 04:07
Chọi trâu Đồ Sơn dữ dội và hùng tráng

Chọi trâu Đồ Sơn dữ dội và hùng tráng

Những thớt trâu tím lịm như những trái sim khổng lồ lao sầm vào nhau đến chóng mặt, những cặp sừng nghênh lên thách thức ngạo nghễ; Tiếng trống trận dập dồn, thanh la, rền vang trong không khí tưng bừng của các khán đài... Sân vận động Đồ Sơn mấy ngày nay mưa dầm dề, sũng nước nhưng không làm giảm nhịp độ trận đấu của các “ông trâu”. Hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ là một lễ hội, nó còn là một sinh hoạt văn hóa mang tính thượng võ của quê hương cuộc khởi nghĩa “Quận He” – Nguyễn Hữu Cầu.

“Dù ai buôn đâu, bán đâu”

Mồng chín, tháng Tám thì về chọi trâu”

Du khách đến Đồ Sơn trong dịp hội chọi trâu không chỉ để tắm biển, họ được thưởng ngoạn một lễ hội truyền thống độc nhất vô nhị đầy chất thượng võ. Các đấu sĩ trên “sới” dù kẻ thắng hay thua cũng đều bị xả thịt, lột da đem... bán.

Dòng người cứ nườm nượp đổ về sân vận động Đồ Sơn ngày một đông. Họ kháo nhau về những ông trâu tham dự giải năm nay. “Ông” này được mặt này, hỏng mặt kia. “Giáp” này năm nay có cơ cho “giáp” nọ ăn khói. Ông chủ trâu kia bỏ công lên tận mạn ngược cả năm tìm mua được trâu tốt v.v... Vòng chung kết năm nay theo Ban tổ chức có 16 trâu, thi đấu 15 trận tranh 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba. Các phường của quận Đồ Sơn đều có trâu đại diện, trong đó phường Vạn Sơn có tới 5 trâu lọt vào vòng chung kết. Hai phường mới là Hợp Đức và Minh Đức cũng đều có trâu tham dự.

Sau mỗi một “kháp” đấu, kẻ chiến bại đều bị giết tại trận để tế thần và cống hiến cho khách thập phương hương vị đặc biệt của thịt trâu chọi. Những “ông trâu” lọt vào sâu thì chậm hơn, còn được đứng chụp ảnh, tặng hoa với quan khách nhận giải xong thì mới bị... giết. Ngoài ý nghĩa tâm linh của nó thì cả năm mới có một lần. Nghe đồn thịt trâu chọi khác hẳn trâu cày, bởi các “ông trâu” được nuôi dưỡng bằng công nghệ đặc biệt. Không biết có chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới hay không nhưng thịt trâu chọi năm nay đắt gấp mấy lần năm trước. Với những trâu thua, thịt cũng có giá cả triệu đồng một cân, còn những trâu đoạt giải, hoặc thịt của “ông trâu” vô địch thì gần như vô giá!

Chỉ nhẩm tính cũng thấy, đấu sĩ trâu có thể thua nhưng ông chủ trâu thì luôn cầm chắc thắng. Chưa kể giải thưởng như trâu vô địch năm nay của phường Ngọc Xuyên ẵm giải nhất 25 triệu đồng. Các trâu kém hơn cũng hơn chục triệu đồng. Thịt trâu xả ra, du khách tranh nhau mua. Thế là mỗi “ông trâu” lại đem về cho chủ một khoản nữa. Nghe BTC nói, năm nay nhiều chủ trâu không chỉ lên rừng xuống bể tuyển trâu chọi mà còn sang cả Lào, Myanma để săn lùng trâu lạ. Theo các cụ già kể lại, cứ vào tháng Tám (âm lịch), khi lúa ngoài đồng vào thì con gái, ngư dân cũng vừa kết thúc vụ “quai săm” (lưới đáy cắm ở các cửa sông bắt tép và cá nhỏ), người ta bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu.

Truyền thuyết kể rằng, một lần thần Điểm Tước (vị thần hộ mệnh của ngư dân Đồ Sơn) giáng hạ, thấy có hai con trâu chọi nhau. Để làm đẹp lòng thần, mồng 9-8 hàng năm, người Đồ Sơn lại tổ chức chọi trâu. Cũng có một lời giải thích nữa: biển Đồ Sơn thường có thủy quái quấy nhiễu. Để được yên, dân làng lập đàn cúng bái cầu thần làng giúp đỡ. Hôm sau, thuỷ quái đầu rồng rất lớn chết nổi lên. Dân làng cho rằng, thần đã diệt trừ họa mới mua trâu về để mổ tạ lễ. Lúc ấy, những con trâu lạ từ các nơi đưa về tự dưng chọi nhau. Từ đấy, mỗi năm, trước khi mổ trâu tạ thần, dân làng cho những con trâu đó chọi với nhau, dần dà thành tập tục, thành lễ hội...

Nghề chơi cũng lắm công phu

Trước mùa chọi, tôi lang thang vào các ”giáp” tìm hiểu binh tình mới thấy nghề chơi trâu chọi cũng lắm công phu. Việc tìm và nuôi dưỡng trâu chọi là điều quan trọng bậc nhất, người Đồ Sơn phải chuẩn bị ròng rã suốt 8 tháng trời. Cứ sau tết âm lịch, dân ở các ”giáp” Đồ Sơn tự nguyện góp tiền, cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi để lùng mua trâu. Trước khi đi, ”giáp” nào cũng làm lễ tế thần, cầu mong mua được trâu tốt. Người được dân làng uỷ nhiệm đi mua trâu có khi lặn lội hàng tháng trời, đi bộ cả ngày đường hết vào Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa lại ngược lên Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng... mới tìm được trâu vừa ý.

Chọn trâu là một công việc cầu kì, tỉ mỉ, chỉ người có kinh nghiệm mới biết được. Một chủ trâu ở phường Ngọc Xuyên cho biết, những con trâu đủ tiêu chuẩn thi đấu là những trâu đực khỏe mạnh, sừng cánh cung, ức rộng, cổ tròn, dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, gọi là trâu cổ cò. Lưng trâu càng dầy, càng phẳng thì càng tốt. Lưng con nào để được bát nước đầy lên không đổ là quý lắm. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu, càng nhọn càng hay. Trong các đặc điểm đó, trâu cổ cò là đặc điểm quan trọng nhất vì khi cúi xuống lấy thế húc nếu là cổ cò sẽ không biết mỏi. Cần tránh nhất là cổ vại. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vểnh lên như hai cánh cung, khoảng trán giữa sừng có túm lông hình chóp, trên đỉnh đầu phải có một khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ, như vậy mới gan góc. Mặt trâu càng giống mặt ngựa là trâu chọi hay. Tướng răng của trâu cũng là yếu tố quan trọng. Răng phải đều và không bị sứt mẻ... Vòng ngực, dài, độ rộng của sừng (từ 50-60cm) và độ dài sừng cho thấy sừng trâu sẽ thuận lợi đánh miếng cáng vào hầu, vào chân hay vào mắt trâu đối phương... Cũng vì trâu chọi phải đạt những tiêu chuẩn nhất định như vậy, nên việc chọn mua không mấy dễ dàng. Nghệ thuật chọn trâu cuối cùng được rút gọn trong các chữ: Cổ cò, đít nhót, đuôi chai, bụng trắm, móng sọ, độc khoáy...

Việc tìm mua trâu đã khó, huấn luyện trâu càng khó hơn. Đàn bà, con gái không được cho trâu ăn (!). Những người được dân làng cử ra chăm sóc trâu thường là người già, có kinh nghiệm. Người được cắt cử coi đây là một nhiệm vụ vinh dự đối với ”giáp” mình. Trâu chọi được nuôi dưỡng ở chuồng riêng, kín đáo, không cho thấy trâu nhà, mục đích để nó khôi phục bản năng hoang dã. Càng gần ngày thi đấu, khẩu phần ăn của trâu càng được tăng cường. Ngày trước, ngoài cỏ non còn có thêm một lượng cám. Còn bây giờ, trâu nuôi để chọi còn được uống cả... bia. Các “ông trâu” được huấn luyện ở các “giáp”. Sới tập cho trâu chọi là một bãi đất rộng. Người ta đứng vòng trong, vòng ngoài không phải để xem mà để gõ chiêng trống, hò hét phụ họa, tập cho trâu quen với không khí ngày hội. Phải là người thông minh, có kinh nghiệm mới huấn luyện được trâu chọi có miếng đánh hay, hiểm hóc. Qua luyện trâu, người ta phát hiện sở trường của nó mà liệu vót sừng kiểu “múi khế” hay “mũi đinh”. Khi đã thành trâu chọi, mọi người đều phải gọi là “ông trâu”. Trâu nào đoạt giải nhất được tôn lên “cụ trâu”. Sới chọi trâu xưa là sân đình làng Ngọc Hải (nay là trường PTTH Đồ Sơn) nay được đưa ra tổ chức tại sân vận động mới xây dựng rất hoành tráng chứa tới 3 vạn người xem.

Đấu trường oanh liệt

Năm nay, sân vận động Đồ Sơn có dễ đến vài vạn người, chật kín các khán đài, tràn xuống đường ”pít”, chưa kể số đông là người các tỉnh khác đến không mua được vé đành la cà ở bên ngoài. Theo ông Vũ Đình Hưng – Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC cho biết: 16 trâu lọt vào chung kết đều đạt tiêu chuẩn ưu tú.

Sau màn trình diễn trống và múa cờ là tiếng loa của già làng với bộ trang phục lễ hội vang lên âm hưởng của nó rất ấn tượng. “Loa... loa... loa trâu số... của phường... gặp trâu số... của phường... loa... loa... loa!”. Hai “ông trâu” hùng dũng được các quản trâu dắt vào từ hai cửa Bắc và Nam trong tiếng reo, hò hét của hàng ngàn cái cổ họng. Tiếng trống, tiếng thanh la làm náo loạn không khí nóng bỏng của đấu trường. Được lệnh của trọng tài, người quản trâu “rút sẹo”, hai trâu lao thẳng vào nhau theo thế hổ lao, đầu đối đầu, sừng đối sừng chan chát, khô khốc. Cả đấu trường lặng đi một lúc rồi lại ầm ào lên như một nồi nước sôi. Cuộc tỉ thí diễn ra quyết liệt, những miếng đánh ngoạn mục: “cáng hầu”, “ghìm sừng”... kéo dài đến 5, 10 phút, có khi hàng giờ mới kết thúc. Đây là cuộc đấu sức, đấu trí của trâu và cũng là của người khiến không khí đấu trường luôn sôi động. Người ta cổ vũ, vỗ tay, reo hò và nín thở...

Cuối trận là màn thu trâu. Nó diễn ra hùng tráng, lãng mạn và đầy chất thượng võ. Khi có trâu thua, bỏ chạy, trâu thắng cuộc hăng máu đuổi theo. Để trâu thắng không xông vào đám đông khán giả, người ta phải “bắt” nó lại. Đây là việc làm dũng cảm và đầy hiểm nguy vì hai trâu lúc này chỉ cách nhau vài mét, trâu thắng đang hăng máu, mép sùi bọt trắng, mắt đỏ vằn những tia máu, lao như tên bắn.

Nhớ lại một trận đấu cách đây mấy năm, khi trâu thắng đang lao theo trâu thua cuộc xé hàng rào nhảy bổ vào đám đông thì thoắt một cái, người ta thấy một cụ già xuất hiện. Trong y phục đỏ rực thêu kim tuyến trên người, tay trái cụ nắm lấy sừng trâu thắng, đưa tay phải vào vai dưới cổ trâu, khiến con trâu đang chạy phải dừng lại, sệt mông xuống, hai chân trước đưa lên không chới với. Sau đó cụ già luồn thừng vào sẹo mũi dắt nói đi. Con trâu hung dữ, mắt đỏ ngầu là thế chợt ngoan ngoãn theo cụ. Cảnh tượng ngoạn mục, có một không hai này đã được thu vào ống kính của một phóng viên hãng truyền hình Nhật Bản và được phát đi sau đó một ngày, làm hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ đất nước Phù Tang phải ngây ngất...

Người ta thường gọi ngày 8-6 (âm lịch) là ngày hành lễ (chọi lọc), để đến ngày 9-8 (âm lịch) chọi chính tạ ân. Từ năm 2000, Hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước chính thức công nhận là một trong 15 lễ hội du lịch Quốc gia. Tuy nhiên, ngày nay len vào những nét đẹp văn hóa trên là các cuộc cá cược giữa các trận trâu chọi đã rộ lên. Năm nay, tại các quầy chờ của trâu phía sau khán đài B đã hình thành một “chợ” cá độ. Người ta đặt cửa, chấp “kèo trên, kèo dưới” chẳng kém gì giải ngoại hạng Anh. Giá cược cũng không “bèo” như mấy kí hiệu ghi loằng ngoằng trên giấy, mà từ chục triệu trở lên đến cả xe máy, vườn ao, nhà cửa... Dân cá độ cất công đến Đồ Sơn từ nhiều ngày trước khi lễ hội để len lỏi đi tìm hiểu từng “ông trâu” để chọn đặt cược cho chắc.

Thiết nghĩ, truyền thống văn hóa thượng võ của dân vùng biển cần được bảo tồn và phát huy và làm cho nó thuần khiết để hội chọi trâu mãi là di sản văn hóa của dân tộc.

Nguồn tin: nguoicaotuoi.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

giới thiệu

Hình ảnh và khách sạn

Nhà hàng hoa phượng đỏ

Địa chỉ : 123 đường X -Đồ Sơn - Hải Phòng

Tour du lịch

Những tin tức mới nhất Doson.vn
Doanh nghiệp muốn đăng tin ? Xem tất cả »