Tháng hai đi hội Hòn Dáu

Thứ ba - 24/02/2009 02:33
Đảo Dáu nhìn từ Hòn Dáu Resoft

Đảo Dáu nhìn từ Hòn Dáu Resoft

Vào dịp tháng hai âm lịch hằng năm, ở Đồ Sơn có một lễ hội độc đáo của người dân miền biển Hải Phòng: đó là lễ hội đảo Hòn Dáu.
Lễ hội đảo Hòn Dáu chính là ngày lễ hội đền Dáu. Đó là một ngôi đền cổ trên đảo soi bóng xuống mặt biển. Theo lời một số ngư dân thường đánh cá chung quanh khu vực, thì đây là một trong những nơi linh thiêng, sùng kính của người dân Đồ Sơn.

Hải đăng trên đảo Dáu

Người dân Đồ Sơn chủ yếu sống bằng nghề đi biển, nên mỗi lần đi qua đây họ đều ghé thuyền vào đảo lên đền dâng hương; và đó dần trở thành nét văn hoá ứng xử của người dân Đồ Sơn. Ngôi đền cổ ở đảo Dáu có tự bao giờ chưa rõ Những người già ở Đồ Sơn kể rằng, vào một ngày nọ, người dân đánh cá ở khu vực này thấy xác của một vị tướng không đầu trôi về, người dân vớt lên đem chôn, rồi từ đó, thỉnh thoảng trên các mỏm đá ngoài đảo xuất hiện hình bóng của một cụ già ngồi câu cá, vì thế người Đồ Sơn gọi đó là Lão đảo thần vương và ngôi đền thờ trên đảo nằm ở phía Nam bán đảo Đồ Sơn nên đền thờ có tên là Nam Hải đại vương.

Truyền thuyết thì có nhiều nhưng người Đồ Sơn và cư dân làm nghề biển trong vùng cho rằng, vị thần trên đảo Dáu dã phù trợ cho họ được thuận buồm, xuôi gió, tôm cá đánh bắt được nhiều. Lễ hội chính của đảo Dáu thường được tổ chức vào các ngày mồng7, 8,9,10 tháng hai âm lịch hằng năm. Đó cũng là lúc tiết trời thay đổi để ngư dân chuẩn bị bước vào mùa cá mới. Trong các ngày lễ hội, ngày mồng 9 là ngày chính hội, với phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy.

Theo người Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho nhân dân trong vùng. Lễ rước đèn bắt đầu từ 23 giờ đến sáng. Cho dù trong tiết tháng 2 sóng biển nổi lên rất mạnh nhưng người dự hội vẫn thắp đèn trên biển. Đêm ấy, cả đảo Dáu lung linh trong ánh lửa từ những ngọn đèn và trong ánh lửa, người đồ Sơn muốn gửi gắm ước mơ của mình vào thiên nhiên, vào cõi tâm linh mong cho những chuyến đi biển về khoang thuyền đầy ắp cá, tôm.


Ảnh chụp ngọn hải đăng từ thời Pháp thuộc.

Đến với Hòn Dáu là đến với không gian tĩnh lặng của thiên nhiên, du khách thả hồn theo tiếng xào xạc của cây lá, tiếng sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ đá. Vượt qua đoạn đường nhỏ khoảng 20 m, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm của đảo với những con đường uốn lượn quanh co. Hai bên đường cây cối đan xen chằng chịt khiến du khách cảm thấy mình đang lạc giữa màu xanh huyền diệu của núi rừng và điều mà người dân Đồ Sơn cho là linh thiêng và tôn trọng vị thần đảo: đó là không ngắt lá, bẻ cành cây trên đảo; chính vì thế cây cối trên đảo không bị chặt phá, bốn mùa xanh tốt. Theo con đường nhỏ khoảng gần 600m, du khách sẽ đến với hải đăng đảo Dáu. Đó là một toà nhà 2 tầng và chính giữa toà nhà là tháp đèn. Ngọn hải đăng anh hùng trên biển hằng ngày dẫn dắt tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng đã từng là nơi oanh tạc của máy bay Mỹ. Sau nhiều lần xây dựng, tu sửa để có vóc dáng như ngày hôm nay, ngọn hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên đảo. Bước lên cầu thang gỗ xoáy tiến ra hành lang của ngọn đèn, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, du khách sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt biển, xa xa là những con tàu lớn ngày đêm cần mẫn đi trên biển.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn, trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Hòn Dáu Hoàng Đình Bình cho biết, trong những năm qua, để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thị xã mở thêm tuyến du lịch mới; đến các điểm di tích lịch sử, tạo tuyến du lịch mới còn là những tuyến du lịch văn hoá và tín ngưỡng. Việc mở tuyến du lịch Bến Nghiêng- đảo Dáu trong lễ hội sẽ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của thị xã Để hoạt động này đi vào nền nếp và quy mô hơn, năm nay, ngoài việc bố trí phương tiện đưa đón khách du lịch, còn có xuồng cao tốc cứu hộ. Trên bờ, tại đầu Bến Nghiêng được vệ sinh sạch sẽ, nơi gửi xe cho khách thông thoáng, thuận tiện, công tác bảo vệ an ninh trật tự được tăng cường bằng sự phối hợp của Công an thị xã và Đồn biên phòng 38.

Ông Bình cho biết thêm, để lễ hội thành công tốt đẹp, thị xã có quy hoạch đồng bộ trên toàn tuyến: thắng cảnh Bến Nghiêng- tàu chở khách- các di tích trên đảo và hướng tuyến du lịch này thành cụm, tức là không thể tách rời giữa lễ hội và thắng cảnh, giữa các điểm tham quan với nhau. Về với tuyến du lịch Bến Nghiêng- Hòn Dáu là về với tự nhiên, về với môi trường sinh thái trong lành. Mở đầu với lễ hội, trong tương lai không xa, tuyến du lịch Bến Ngiêng- đảo Dáu sẽ là tuyến du lịch văn hoá hấp dẫn ở Đồ Sơn đối với du khách trong nước và nước ngoài. Cùng với tuyến du lịch này, các điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng sẽ làm phong phú thêm các hoạt động du lịch; đó là đền Nghè, bến tàu không số K15, tháp Tường Long, suối Rồng

Mai Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

giới thiệu

Hình ảnh và khách sạn

Nhà hàng hoa phượng đỏ

Địa chỉ : 123 đường X -Đồ Sơn - Hải Phòng

Tour du lịch

Những tin tức mới nhất Doson.vn
Doanh nghiệp muốn đăng tin ? Xem tất cả »