Chọi trâu Đồ Sơn - huyền thoại và tiểu xảo
Thứ hai - 23/02/2009 12:56Chuyện kể rằng một năm trời đại hán, cây cối khô héo, các dòng suối cạn kiệt, cư dân trên bán đảo Đồ Sơn không có nước sinh hoạt nên phải cầu khấn thần linh ban cho nước ngọt để cứu mùa màng.
Thần hâm mộ hơn người
Một đêm thượng tuần tháng tám, trăng sáng vằng vặc, một số người dân nhìn ra bờ biển thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ ngồi trên chiếc sập đá, tay cầm gậy trúc đang nhìn đôi trâu chọi nhau. Hình ảnh độc đáo này hiện lên rồi biến mất trong khoảnh khắc và sau đó, một trận mưa lớn đổ xuống tưới mát mặt đất, giúp cho năm ấy mùa màng bội thu.
Người dân cho rằng thần linh giáng hạ nên lập đền thờ, cúng tế vào ngày mồng 9 và 10 tháng 8 âm lịch. Do không biết tên vị thần để cúng, khấn nên các bô lão đã làm lễ xin thần cho biết tên hiệu. Sáng hôm sau các cụ nhìn thấy trên mâm bột gạo trắng của đồ lễ có dấu chân chim sẻ. Người biết chữ Hán “phiên dịch” ra là “điểm tước” (chân chim sẻ). Vì vậy hội đồng bô lão thống nhất đặt tên hiệu của thần là “Điểm tước đại vương”.
Từ đó, hằng năm nhân dân Đồ Sơn tổ chức lế tế thần vào ngày 9, 10 tháng 8 và tổ chức chọi trâu để mua vui cho thần Điểm tước với mong muốn thần phù hộ cho làng xã, đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Bởi vậy dân gian có câu ca dao rằng: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu”.
Trâu uống bia, ngủ trong màn
Nhiều người chỉ biết ông Đinh Đình Phú là người nổi tiếng với việc tố cáo các quan tham trong vụ “Đồ Sơn đất đai kỳ án” chứ chưa biết ông còn là một người đam mê chọi trâu đến mức viết sách và làm phim về trâu. Đặc biệt, ông có thể huấn luyện được trâu không chỉ để chọi.
Trâu chọi, trong quan niệm của người dân Đồ Sơn là một linh vật cho cả gia đình, dòng họ. |
Tại hội chọi trâu năm 1993, trâu của ông làm sửng sốt cả sới đấu khi kính cẩn quỳ gối, cúi đầu chào ban giám khảo và khán giả. Ông Phú kể: “Một lần tình cờ thấy trâu ăn lúa, tôi cầm roi định vụt thì vô cùng ngạc nhiên thấy con trâu quỳ xuống, ngồi im. Tôi quẳng roi đi bảo nó đứng dậy, nó mới từ từ đứng lên. Tôi nảy ra ý định huấn luyện cho trâu biết quỳ chào”. Từ đó mỗi ngày ông huấn luyện trâu quỳ vài ba lần cho quen.
Tiếng đồn lan xa. Có lần, cán bộ văn hóa ở trung ương về thị xã Đồ Sơn công tác muốn xem. Ông Phú dắt trâu đến, xoa đầu bảo: “Đây là thượng khách Trung ương, quỳ xuống chào hai ông đi”. Ngay lập tức con trâu quỳ hai chân trước xuống, chào hai vị khách ba lần rồi đứng dậy. Các vị khách vô cùng ngạc nhiên. Trước hôm thi đấu, ông còn dẫn trâu ra đình làng, quỳ lễ tế thành hoàng. Dù vậy, năm đó trâu của ông không đoạt giải.
Trâu chọi, trong quan niệm của người dân Đồ Sơn là một linh vật cho cả gia đình, dòng họ. Bởi vậy, từ khi được tuyển chọn để trở thành “đấu sĩ” thì con đại gia súc kéo cày hai sừng này đã trở thành một thành viên được hết sức cưng chiều, thậm chí được gọi một cách cung kính là “ông trâu”.
Việc chăm sóc “ông trâu” rất được coi trọng. “Người chăn trâu phải là người hiền lành, chăm chỉ, có đức độ và đặc biệt không có tang ma, đồng thời không được dự đám ma trong suốt quá trình nuôi trâu. Ngoài ra, tuyệt đối không được để đàn bà, con gái bước qua dây dắt trâu. Những ngày trước khi thi đấu, cả chủ trâu và người chăn trâu đều phải chay tịnh, kiêng khem cái khoản “gần gũi” phụ nữ”, cụ Hoàng Đình Phúc, người cao tuổi nhất và có nhiều giải nhất cho biết.
Để trâu có sức khỏe tốt thì ngoài việc cho ăn cỏ ngon thì còn phải cho trâu ăn cám gạo, ngọn mía và thỉnh thoảng “bồi dưỡng” cho… mấy chục lít bia hơi, nước chè xanh pha đường và vài trăm viên vitamin B1. Chuồng trâu phải sạch sẽ, thoáng đãng, cách xa những nơi uế tạp.
“Trâu nhà tôi lúc ngủ còn được mắc màn, mùa hè thì có quạt điện, mùa đông thì đắp chăn không khác gì người”, ông Đinh Xuân Hiệu, ông chủ trâu trẻ tuổi nhất, mới bắt đầu chơi trâu chọi ba năm trở lại đây nhưng năm nào cũng có giải, tiết lộ bí quyết.
Và những tiểu xảo
Đến bây giờ ông Phú vẫn còn nhớ như in lễ hội năm 1998, năm mà cả hai con trâu của ông đều bị kẻ xấu chơi xỏ. Năm đó, ông mua được con trâu rất đẹp ở Tuyên Quang. Những người sành trâu đều tấm tắc khen và dự đoán sẽ đoạt giải nhất.
Ông Phú thuê người chăn trâu mỗi tháng 400.000 đồng. Nhưng vào một buổi sáng, ông đang làm việc trên núi thì có người báo trâu của ông… đột tử. Ông Phú bàng hoàng chạy về thì thấy trâu bị điện giật chết. Tìm hiểu ra mới biết, có đối thủ ghen tị, hại ông.
Không nản chí, ông đi mua con trâu khác. Con thứ hai cũng đẹp không kém gì con thứ nhất và đã lọt vào chung kết. Thế nhưng, cách ngày thi chung kết một tháng, ông thấy trâu của mình bị nhiễm trùng hạ bộ, mưng mủ, mắt xanh lè. “Tôi khám cho trâu thì phát hiện có một cái kim trong bìu của trâu. Tức giận nhưng chẳng lẽ bắt đền người chăn trâu. Họ lấy đâu ra tiền. Nghĩ vậy tôi đành tự an ủi: Âu cũng là cuộc chơi”, ông Phú nói. Ông phải dùng rượu, nước giềng cho trâu uống mới khỏi, nhưng năm đó trâu của ông cũng thất bại.
Ông Hoàng Đình Phúc cho hay, đã là cuộc chơi thì kiểu gì cũng có các tiểu xảo, trong đó châm hạ bộ trâu là độc địa nhất: “Theo kinh nghiệm, trâu đã bị “châm dái” thì chỉ có chạy chứ không dám chọi nữa”. Ngoài ra ký thuật rút dây buộc mũi trâu cũng là một tiểu xảo được nhiều chủ trâu áp dụng. Việc rút sớm hay muộn có tác dụng khá lớn đến khả năng tấn công hay phòng thủ của trâu. Thậm chí người dắt trâu khi rút dây cố tình quăng dây vào mặt trâu đối thủ làm cho trâu đối thủ hoảng sợ.
Lung linh huyền thoại
Đến bây giờ nhân dân Đồ Sơn vẫn còn kể nhau nghe một lời nguyền 36 năm.
Theo tục lệ, tất cả trâu tham gia thi đấu dù thắng hay thua đều phải giết thịt. Trâu vô địch thì phải giết để lấy thịt tế thần và thành hoàng làng, đồng thời lấy một ít máu và lông đổ xuống biển để dâng thần biển.
Thế nhưng theo các cụ kể lại, năm 1908, làng Đông Sơn (tên cổ) không giết trâu vô địch mà giữ lại để chọi tiếp nên bị thần “trừng phạt”. Có một bậc cao niên buột miệng nói làng này còn lâu mới có trâu vô địch. Quả đúng như vậy, năm sau, trâu này ra sới đã “chạy gió”, thua ngay từ vòng đầu và suốt 36 năm sau làng này không có trâu vô địch. Phải đến năm 1944, “lời nguyền” mới được giải tỏa và làng này mới lại có trâu thắng trận cuối cùng.
Còn ông Phú kể rằng năm 1993, có một cụ già khoảng 80 tuổi đến xem trâu của ông rất kỹ, khen con trâu đẹp nhưng bảo: “Tôi bảo cho anh hay, anh chơi trâu kiểu gì cũng nổi tiếng thôi nhưng phải đến năm Kỷ Mão anh mới có giải vô địch hàng tổng”. Nói rồi cụ ra về. Cụ không phải người làng nên ông Phú không biết tên tuổi, địa chỉ. Quả đúng như vậy, năm 1999, năm Kỷ Mão, trâu của ông Phú lần đầu tiên giành chức vô địch.
Nguồn tin: Zing.News/Đất Việt
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
giới thiệu
Hình ảnh và khách sạnNhà hàng hoa phượng đỏ
Địa chỉ : 123 đường X -Đồ Sơn - Hải Phòng
Tour du lịch
Những tin tức mới nhất Doson.vn-
Đón nắng ở biển Đồ Sơn
Tác giả bài viết Phạm Mạnh Cường - 25/05/2011
-
Sôi động liên hoan du lịch “Đồ Sơn biển gọi” 2011
Tác giả bài viết D.H. - 25/05/2011
-
Tour Hà Nội - Đồ Sơn, 2 ngày 1 đêm.
Tác giả bài viết - 17/04/2009
-
Biển Đồ Sơn (2 ngày / 1 đêm) đi bằng ôtô
Tác giả bài viết - 08/04/2009