Dạy võ cho trâu

Thứ hai - 23/02/2009 13:14
Đưa trâu vào sân Chọi

Đưa trâu vào sân Chọi

Vài tháng sau vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn, những ông thầy dạy võ cho trâu lại tất tả lên đường tìm “đệ tử” mới. Đồ nghề họ mang theo không có gì ngoài con mắt nghề nghiệp tinh tường và một niềm say mê trâu chọi hiếm có. Lương cứng 500.000-700.000 đồng/tháng chưa kể tiền thuốc nước, tiền phụ cấp “nguy hiểm”, tiền thưởng chỉ để dạy võ cho trâu.
Video Hội chọi trâu Đồ Sơn 2008


Hai gian nhà cấp bốn chật chội, thấp tè như chiếc chuồng trâu, kê hai chiếc giường cũ nát, xập xệ. Không có một cái ghế, khách đến nhà cứ tự nhiên ngồi lên giường rồi thõng chân xuống, mặc cho dưới gầm tiếng ụt ịt của đàn lợn bị xâm phạm thế giới riêng.

Gia tài của “võ sư” Ngô Văn Tiệp, người gắn bó cả đời với nghiệp huấn luyện và vỗ trâu chọi, chỉ đơn sơ có thế. Nói đến nghề của chồng, chị Nguyễn Thị Nhàn, vợ anh Tiệp, vừa lườm vừa mắng yêu: "Ông nhà tôi mê trâu chọi hơn vợ. Quanh năm ngày tháng hết đi tìm trâu, lại vỗ trâu, luyện miếng, luyện thế cho chúng. Cứ suốt ngày rong ruổi ngoài đồng cùng trâu nên chả mấy khi ở nhà. Nói vậy chứ chăn và huấn luyện 2 con, mỗi tháng nhà tôi cũng được 1 triệu tiền lương. Gia đình tôi gồm 5 khẩu, quanh năm chỉ sống nhờ vào sới chọi trâu Đồ Sơn mà không hết việc”.

Anh Ngô Văn Tiệp là người huấn luyện trâu chọi có tiếng nhất ở Đồ Sơn. Bảng vàng thành tích của anh chăn dắt trâu mấy năm “ẵm” liên tiếp 3 giải: 1 giải nhất, 2 giải nhì. Nói về nghiệp huấn luyện trâu chọi, anh Tiệp say sưa: “Trước, tôi chỉ là lái trâu thịt nhưng đặc biệt mê trâu chọi. Tôi có thể bỏ vài ngày, lê la khắp nơi với các lái trâu khác để lùng mua trâu chọi về bán. Dần dần cái nghiệp huấn luyện trâu nó ngấm vào tận máu tủy mình. Tôi bỏ nghề lái trâu thịt đã hơn 10 năm nay".

Cứ sau trận chung kết chọi trâu là anh Tiệp lại rong ruổi khắp các tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang những “miền đất hứa" từng sản sinh ra những con trâu chọi có tiếng.

Anh Tiệp kể, vài năm gần đây anh đã Nam tiến khai thác trâu ở tận Vũng Tàu hay ngược lên biên giới Việt - Lào. Mỗi chuyến đi như vậy thật là kỳ công và mất thời gian. Trâu chọi cần gộp đủ nhiều điều kiện như lông đen, trán bằng, mắt nhỏ đỏ, thân 1 khoanh nhỏ, 4 khoáy, vòng ngực to có số đo từ 2,07 m đến 2,1 m... thì mới là những con trâu lỳ, đánh không biết sợ.

Người chọn trâu phải có con mắt thật tinh nghề bởi người bán không bao giờ cho thử, do vậy mà non tay một tí là chỉ chọn mua được những con trâu "tương tự như trâu chọi" với cái giá cắt cổ: từ 15 đến 17 triệu đồng/con. Khi tiền trao, phi vụ mua bán kết thúc, các “võ sư dạy trâu” như anh Ngô Văn Tiệp có nhiệm vụ đưa trâu về bằng xe tải. Giống trâu chọi rất hăng, không bao giờ chịu ăn cùng đồng với trâu khác chứ đừng nói đến chuyện nhốt chung, nên mỗi chuyến xe chỉ chở được 1 con, lúc về đến Đồ Sơn giá mỗi con trâu đã đội thêm 5-7 triệu đồng nữa.

Ở Đồ Sơn lưu truyền một câu nói: “Đằng sau chiến thắng của mỗi "ông" trâu có bóng dáng của người huấn luyện”. Người huấn luyện có nghề như anh Tiệp luôn được săn đón, vị nể là vì thế. Năm nay anh Tiệp nhận huấn luyện hai "đệ tử” trâu của gia chủ Tuyền ở phường Ngọc Xuyên.

Khi mới nhận về, trâu chọi được tẩm bổ, vỗ béo một cách tối đa: thức ăn phải là cỏ non mỡ, trộn thêm cơm, cám còn bia thì uống vô tư. Gần đến kỳ thi, khẩu phần ăn của trâu được tăng thêm gồm 300 viên B1, 6 gói nhân sâm Triều Tiên/ngày, mật gấu, mỡ trăn cũng được bổ sung cho trâu thêm phần phong độ. Khi thể lực trâu đã khỏe thì đến phần quyết định: huấn luyện các miếng, các thế võ cho chúng.

Cứ sáng sáng, khi thức dậy tập thể dục là người dân quanh vùng Hải Thành, Tân Thành gần nhà anh Tiệp lại được chứng kiến cảnh nực cười: hai “thầy trò" người và trâu cứ thi nhau chạy huỳnh huỵch trên... đường nhựa. Mỗi ngày chạy bộ chừng 6-7 km nhằm giúp “chiến binh" trâu tăng độ dẻo dai, cho quen giò, khỏe gối. Sau đó trâu còn được tập các bài như chạy ven bờ ruộng, lội ruộng lầy, húc gò đất, móc hầu. Đặc biệt trong quá trình tập luyện gian khổ này cả thầy và trò đều kiêng kỵ gần gũi chuyện “chăn gối”, hình như mê tín chỉ một phần mà chủ yếu là để giữ sức.

Để tăng độ "máu” cho các “ông” trâu, trong quá trình tập cũng đặc biệt kiêng cho trâu chọi gặp bò, gặp ngựa hay trâu thường khác bởi sẽ làm nhụt "chí khí” của chúng. Cứ ngày ngày, trâu chọi được gặp nhau qua cổng, mỗi con được giữ khoảng cách bởi sợi dây chạc mũi để chỉ nhìn nhau, lồng lộn lên mà không xáp vào nhau được. Phương pháp này giới trong nghề gọi là nghếnh cổng, giúp cho trâu chọi càng thêm phần hết mình khi xung trận...

Thế có bí quyết gì để trâu chọi hăng thêm? Anh Tiệp cứ hết gãi đầu lại gãi tai, có lẽ không muốn tiết lộ, nhưng trước sự “quyết liệt" của PV An Ninh Thế Giới anh đành phải nhượng bộ: nhà báo đừng ghi hình và ghi âm nhé, bởi nói ra là phạm pháp.

Trước lúc giao đấu, trâu chọi được các chủ trâu bí mật cho uống thuốc kích thích giúp trâu xung trận cho “máu lửa”, "dạn đòn hơn”. Giai đoạn trâu chuẩn bị lên đài cũng là lúc cần phải chăm sóc và bảo vệ trâu một cách kỹ lưỡng bởi tính chất ăn thua của các chủ sới rất cao. “Lơ là một tí là người ta bấm huyệt bụng hoặc châm kim vào hạ bộ của trâu thì con trâu đó chỉ đem thịt, ra chọi là co cẳng chạy, thua ngay", anh Tiệp bật mí.

Lúc trâu lên sới rồi, trong hàng chục nghìn con mắt trên khán đài đổ dồn vào các cặp trâu trong đó có những con mắt đau đáu nhất, chăm chú nhất của những người huấn luyện. Cả một năm trời chăm bẵm, gắn bó đây chính là dịp để các “đệ tử” trâu “trả bài” cho thầy. Anh Tiệp bảo cả đời anh chỉ sướng nhất khi được xem những cú sừng móc hầu, đánh hàm kéo của “ông” trâu số 9 năm 2001, con trâu mà ông Hoàng Gia Bổn ở Ngọc Xuyên giao cho anh huấn luyện. Lúc xem mà anh cứ thấy hừng hực, như có lửa cháy ở trong ngực, như chính mình được xung trận vậy. Thì nên, đến khi con trâu đó được dắt ra thịt (tất cả trâu thắng, thua của Đồ Sơn đều phải thịt) thì anh đã phải trốn đi một góc khuất và rấm rứt khóc...

Nguồn tin: Ngôi sao

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

giới thiệu

Hình ảnh và khách sạn

Nhà hàng hoa phượng đỏ

Địa chỉ : 123 đường X -Đồ Sơn - Hải Phòng

Tour du lịch

Những tin tức mới nhất Doson.vn
Doanh nghiệp muốn đăng tin ? Xem tất cả »