Đồ Sơn - Khu nghỉ mát lý tưởng
Thứ hai - 23/02/2009 13:36Đồ Sơn không chỉ có vịnh đẹp với những bãi cát dài tít tắp mà còn là miền hoa trái sum suê, cây xanh ngút ngàn. Sách Đồng Khánh địa dư chí lược có nhắc đến loại dứa ngon của Đồ Sơn và gọi nó là bách nhãn lê (lê trăm mắt). Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) có chép về các loại dược liệu quý và thú quý ở vùng này. Rừng Đồ Sơn ngày ấy có rất nhiều hươu, nai và hoẵng. Biển Đồ Sơn có nhiều loài cá và các hải sản đặc biệt, rất dễ dàng liệt kê giới thiệu về những sản vật tiêu biểu ấy như chim, thu, nhụ, đé, song, ngừ, tôm lớt, tôm nương, tôm hùm, tôm sắt, cua bể, bề bề...
Có núi, có biển, có rừng. cả bán đảo Đồ Sơn là một bức tranh phong thủy hiếm có.
Người Đồ Sơn được tắm mình trong huyền tích về quê hương, làng xóm ngay từ tuổi ấu thơ. Chuyện kể rằng: Thuở mới khai sinh, lập địa có 12 vị tiên công tìm đến Đồ Sơn lập nghiệp. Sáu vị chuyên sống về nghề sông, thấy đất đai vùng này, đã thốt lên.
"Ở đây ăn lợi lộc gì
Lộc sung thì chát, lộc si thì già"
Sáu vị ấy bỏ đi. Còn sáu vị chuyên nghề chài lưới lại hết sức vui mừng:
"Ở đây vui thú non tiên
Ngày ngày đánh cá kiếm tiền nuôi nhau"
Bởi vậy, ở Đồ Sơn nghề làm ruộng chưa bao giờ phát triển thịnh đạt bằng nghề đánh bắt cá.
Ngày ngày đánh cá kiếm tiền nuôi nhau
Tộc phả của các dòng họ gốc ở đây đều ghi chép về nguồn gốc của mình: Họ Phạm ngày nay là hậu duệ của Cao Sơn và bà Chàng Ngọ họ Đinh; họ Lê Bá, Lê Đình là di duệ của Hải Bộ; họ Nguyễn Khắc là con cháu của Thanh Sam; bảy chi họ Lương có cội nguồn từ Nuôi Nương; họ Hoàng có nguồn gốc ở Chằm, Vạc (Bình Giang - Hải Hưng)...
Các tác giả Đại Nam nhất thống chí,
căn cứ tục chọi trâu, cho rằng dân tổng Đồ Sơn thuộc chủng Đãn Nãi, một
giống người Nam Man (Mã Lai) chuyên nghề chài lưới. Người ta còn cho
rằng dân Trà Cổ (Quảng Ninh) ngày nay gốc
là dân Đồ Sơn, xuất phát
từ câu ca - dân Trà Cổ, tổ Đồ Sơnnnn. Có lẽ, việc di cư này xảy ra sau
cuộc khởi nghĩa nông dân của Quận He thất bại, để tránh sự trừng phạt
của triều đình.
Đồ
Sơn là vùng đất cổ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong những năm
tháng đầu công nguyên, nơi đây là cửa ngõ đón tiếp các thương thuyền và
các tăng ni phạt giáo dòng tiểu thừa đến làm ăn, buôn bán và hoằng
dương Phật pháp ở đất Giao Châu. Từ Đồ Sơn ngược theo các dòng sông để
đến với trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành -Hà Bắc), phủ Tống Bình, thành
Long Biên (Hà Nội) rất thuận lợi và nhiều người cho đó là con đường du
nhập Phật giáo vào Việt Nam trước khi được truyền sang Trung Quốc.
Nhưng những vết tích của thời xa xưa đó còn rất mờ nhạt trong quá trình nghiên cứu đầy gian khổ về mảnh đất Đồ Sơn yêu dấu. Sự hiện hữu của quá khứ được tạm coi là xưa cũ, nổi tiếng nhất vẫn thuộc về tháp Tường Long. Tháp được dựng trên đỉnh Ngọc Sơn (núi Tháp) trông như cây bút đang vẽ lên nền trời xanh và biển rộng là đài nghiên thiên nhiên vô tận. Tháp Tường Long qua thư tịch cổ và vết tích còn lại gần như là khu tượng đài hoành tráng kỷ niệm nhà Phật, một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà vua ở miền biển Đông Bắc của quốc gia Đại Việt. Tháp Tường Long đã từng được liệt vào hạng đại danh lam cùng với chùa Long Đọi (Duy Tiên - Nam Hà), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo... (Hà Nội), tháp Chương Sơn (ý Yên -Nam Hà) v.v... dưới triều nhà Lý (1010-1225).
Quy Hoạch Kiến Trúc Tháp Tường Long phục dựng lại
Từ tháp Tường Long đến chùa Vân Bản là bước tiến dài của nghệ thuật kiến trúc và tạo hình Phật giáo ở Đồ Sơn. Chùa tháp Tường Long là một điển hình của sự kết hợp giữa nghệ thuật sáng tạo của con người và nghệ thuật vô thức của tạo hoá, giữa chúng có sự bổ sung, tô điểm cho nhau.
Đến với Đồ Sơn, du khách không quên vào thắp hương chính là dịp được nghe về mối tình thơ mộng và bi thương giữa một cô gái làng chài khoẻ khoắn, trắng trinh với một bậc quân vương quyền quý. Đền Bà Đế phải chăng là một bài học về tình yêu và lối sống mà người xưa muốn truyền lại cho mai sau? Hay đơn thuần chỉ là đài thề đoạn tuyệt với các tập tục lạc hậu, thiếu nhân tính?
Đi hội đầu năm ở đền Bà Đế.
Đồ Sơn còn nổi tiếng là nơi hàng năm diễn ra lễ hội chọi trâu độc đáo vào ngày 9 tháng 8 âm lịch. Là người Việt Nam, dù chưa một lần được đến Đồ Sơn, nhưng ai cũng biết Đồ Sơn qua câu ca dao truyền khẩu:
"Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu"
Đó là giá trị tự thân của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, không cần phải tuyên truyền, ít nhiều ai cũng hiểu biết.
Đồ Sơn từng là căn cứ đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu chỉ huy. Người xưa để vết ở Bàng La, Sông Họng, núi Mẹ, đồn Cao... Suối Rồng, đình Ngọc, chùa Hang... là những địa danh khắc ghi chiến công của nhà sư Phạm Ngọc và nhân dân Bát vạn chài chống lại ách đô hộ của nhà Minh ở thế kỷ 15.
Nam Phương Villa
Vẻ đẹp của núi, sông, trời, biển và khí hậu trong lành của Đồ Sơn đã từ lâu hấp dẫn du khách bốn phương. Các công trình kiến trúc xây dựng ở Đồ Sơn cũng được quy hoạch thật khéo léo, dù là dưới chân núi, bên bờ biển hay trên đỉnh đồi, trong lòng thung lũng đều tạo lên một không gian kiến trúc phù hợp với tâm hồn, tình cảm của người Việt. Trong mỗi kiến trúc bao giờ cũng có một khu vườn cảnh nho nhỏ, rải đều màu xanh mát dịu những sắc hoa rực rỡ kề bên những con đường rải nhựa láng bóng uốn lượn bên bờ biển hay quanh chân đồi, dốc núi dưới hàng thông reo.
Hòn Dáu là một địa điểm thường được du khách quan tâm trong lộ trình tham quan thắng cảnh Đồ Sơn. Trạm thuỷ văn và đèn biển Hòn Dáu do người Pháp xây dựng từ năm 1889 là một công trình đáng trân trọng .
Trên bán đảo, này còn có bến không tên hay còn gọi là bến K15, nơi xuất phát của những con tàu không số mở đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện miền Nam những năm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Bến tàu Không Số
Hiện nay, Đồ Sơn đang trên con đường đổi mới, một trung tâm du lịch và vui chơi giải trí quốc tế đang được xây dựng để phục vụ chính sách phát triển nền kinh tế mở của thành phố. Đây là vận hội mới để con rồng vàng (Tường Long) Đồ Sơn thức dậy cùng thành phố và cả nước chuẩn bị bước sang thế kỷ 21 trong tư thế Thăng Long. Chúng ta với niềm hoài cổ vẫn mong muốn thấy lại một tháp Tường Long được phục hồi, giúp ta nhận diện được chính mình trong bát ngát bạn bè.
Nguồn tin: Sở Du Lịch Hải Phòng
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
giới thiệu
Hình ảnh và khách sạnNhà hàng hoa phượng đỏ
Địa chỉ : 123 đường X -Đồ Sơn - Hải Phòng
Tour du lịch
Những tin tức mới nhất Doson.vn-
Đón nắng ở biển Đồ Sơn
Tác giả bài viết Phạm Mạnh Cường - 25/05/2011
-
Sôi động liên hoan du lịch “Đồ Sơn biển gọi” 2011
Tác giả bài viết D.H. - 25/05/2011
-
Tour Hà Nội - Đồ Sơn, 2 ngày 1 đêm.
Tác giả bài viết - 17/04/2009
-
Biển Đồ Sơn (2 ngày / 1 đêm) đi bằng ôtô
Tác giả bài viết - 08/04/2009